Lượt xem: 1182

Tỉnh ủy Sóc Trăng lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng tổ chức tập hợp đồng bào Khmer kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Là tỉnh có đông đồng bào Khmer, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy Sóc Trăng luôn quan tâm lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh tổ chức, tập hợp đồng bào Khmer chung sức, chung lòng với đồng bào Kinh, Hoa kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần. Từ đó, giúp đồng bào Khmer vững tin hơn vào sức mạnh của mình, vào thắng lợi của cách mạng; đồng thời làm sáng tỏ hơn chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng; phá tan mọi âm mưu, thủ đoạn chia rẽ của đế quốc Mỹ và tay sai.

    Với đặc thù là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc và tôn giáo, khi thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ và tay sai luôn rắp tâm chia rẽ các dân tộc, tôn giáo; có nhiều âm mưu, thủ đoạn nắm chùa chiền, sư sãi và tầng lớp trí thức Khmer. Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng phải thường xuyên chủ động phòng, chống những âm mưu, thủ đoạn gian xảo, lừa mị của địch, đồng thời tổ chức, tập hợp đồng bào Khmer kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

    Sau Hiệp định Giơnevơ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tỉnh Sóc Trăng đưa nhiều cán bộ, bộ đội, học sinh dân tộc Khmer tập kết ra miền Bắc, đồng thời khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam công tác. Tháng 10-1954, Tỉnh ủy bí mật Sóc Trăng được thành lập, đồng chí Thạch Sên (Tư Thạch), Tỉnh ủy viên, được phân công phụ trách công tác Khmer vận.

    Tỉnh ủy Sóc Trăng đã chỉ đạo đảng bộ các cấp tổ chức cho đồng bào Khmer đấu tranh chính trị đòi địch thi hành Hiệp định Giơnevơ, đòi quyền dân sinh, dân chủ; diệt ác, phá kềm và vùng lên Đồng khởi, giành quyền làm chủ, giải phóng nông thôn.


Cán bộ Mặt trận Dân tộc giải phóng tuyên truyền chủ trương của Đảng trong vùng mới giải phóng. Ảnh: Tư liệu

 

    Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, ra Lời kêu gọi đồng bào xiết chặt hàng ngũ để chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm, nhằm xây dựng một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.

    Ngày 10-6-1961, tại Kinh Làng, xã Vĩnh Hưng, huyện Hồng Dân, Đại hội đại biểu các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, đoàn thể được tổ chức để thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Sóc Trăng. Đại hội cử ra Ủy Ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh, gồm 15 thành viên, do đồng chí Lê Hoàng Chu, nhà giáo yêu nước, một chiến sĩ cách mạng kỳ cựu từ năm 1930 làm Chủ tịch. Có 2 đại biểu là dân tộc Khmer được cơ cấu vào Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh, đó là đồng chí Thạch Sên - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Khmer vận tỉnh, làm Phó Chủ tịch; đồng chí Trần Kim Hai (Hai Thảo) - Phó Ban Khmer vận tỉnh, làm Ủy viên Thường trực. Đại hội thảo luận và nhất trí cao với chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và lấy đó làm chương trình hành động của tỉnh.

    Tỉnh ủy Sóc Trăng lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng phối hợp với Ban Khmer vận các cấp trong tỉnh tuyên truyền, phổ biến mục tiêu, ý nghĩa của việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh trong vùng đồng bào Khmer; vận động đồng bào Khmer tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng, thực hiện mục tiêu: “Độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình, trung lập ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”.

    Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác, Tỉnh ủy chỉ đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng cùng các địa phương, đơn vị quan tâm bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Khmer; bố trí cán bộ Khmer về các địa phương hoạt động; cán bộ người Kinh công tác dân vận phải biết đọc, biết viết chữ Khmer. Để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tuyên truyền, Ban Tuyên văn giáo tỉnh cho xuất bản Tờ tin Khmer, Tờ Văn nghệ Khmer, đồng thời phát hành nhiều truyền đơn bằng chữ Khmer, kêu gọi đồng bào chống gom dân lập ấp chiến lược, chống đốt nhà, ném bom bắn giết thường dân vô tội, đề cao chính nghĩa của Mặt trận, kêu gọi đồng bào Khmer tham gia, ủng hộ kháng chiến. Khi thành lập các đoàn ca múa, đoàn văn công, tỉnh chủ trương tuyển chọn nhiều con em đồng bào Khmer tham gia. Các đoàn tích cực tập dợt và đi biểu diễn nhiều nơi trong tỉnh, động viên tinh thần chiến đấu, sản xuất của quân dân Sóc Trăng.  

    Tất cả các hình thức, tổ chức tập hợp quần chúng Khmer đều được Mặt trận Dân tộc giải phóng tôn trọng phong tục tập quán, giải quyết đời sống kinh tế cho nhân dân, nhất là vấn đề ruộng đất. Chính việc thực hiện chủ trương tạm cấp ruộng đất, cùng với việc cứu tế, giải quyết nạn đói trong từng thời điểm, việc quan tâm thực hiện và tổ chức các hình thức trường lớp giáo dục, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc Khmer... đã góp phần làm sáng tỏ chủ trương của Đảng là chống áp bức bóc lột, thực hiện bình đẳng dân tộc, đem lại ấm no hạnh phúc cho đồng bào Khmer.

    Trải qua gần 14 năm hoạt động (6/1961 - 4/1975), dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức, tập hợp đồng  bào Khmer kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đạt được những kết quả nổi bật.

    Thứ nhất, trong công tác đấu tranh chính trị, đông đảo đồng bào Khmer tham gia cùng đồng bào Kinh, Hoa đấu tranh chống bắt lính, bắt xâu, chống càn quét, gom dân, chống vơ vét, cướp giựt, trong đó nổi bật là: Sự kiện đấu tranh chính trị diễn ra nhiều tháng của đồng bào và sư sãi Khmer ở xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) vào năm 1962, chống địch đuổi nhà và chùa Trà Tim để mở rộng sân bay Sóc Trăng đã gây được tiếng vang lớn. Phong trào đấu tranh chính trị của đồng bào Khmer huyện Vĩnh Châu (nay là thị xã Vĩnh Châu) từ năm 1962 đến năm 1966 diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi. Riêng ấp Trà Teo và ấp Phnotom thuộc xã Khánh Hòa được tặng Huân chương Giải phóng. Sự kiện đấu tranh chính trị quy mô lớn vào ngày 12-3-1969: Ban Khmer vận tỉnh phối hợp ban Khmer vận các huyện Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Long Phú tập hợp đồng bào và sư sãi Khmer ở 13 chùa ký tên kiến nghị chống bắt lính trong giới thanh niên sư sãi Khmer; chống bắn phá chùa để sư sãi yên ổn tu tập, đồng bào yên tâm sản xuất. Sự kiện sư sãi và ban quản trị 17 chùa Khmer trong huyện Vĩnh Châu, cùng 19 chùa ở các huyện lân cận và hàng ngàn phật tử Khmer tổ chức biểu tình, kéo vào thị xã Bạc Liêu tố cáo tội ác của Mỹ - ngụy sát hại nhà sư Achar Sơn Thal, là Đại đức chùa Prey Chóp vào ngày 03-4-1973.

    Thứ hai, trong công tác đấu tranh vũ trang, việc phát triển lực lượng vũ trang là dân tộc Khmer luôn được tỉnh Sóc Trăng quan tâm và thực hiện tốt. Từ đó làm cho đồng bào Khmer càng có điều kiện góp công sức của mình vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong bộ máy quân sự, có các đơn vị vũ trang cấp xã, huyện; một số trung đội, đại đội tập trung phần lớn là cán bộ, chiến sĩ Khmer. Ở các vùng có đông đồng bào Khmer như Vĩnh Châu, Mỹ Tú, Lịch Hội Thượng, các chức danh huyện đội trưởng, huyện đội phó phần lớn là người Khmer.

    Thông qua thực tiễn phong trào cách mạng của đồng bào Khmer, xuất hiện nhiều gương điển hình của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng nói chung và đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng, như: Anh hùng Lâm Tương, anh hùng liệt sĩ Trần Văn Tét, anh hùng liệt sĩ Sơn Khinh...

    Thứ ba, tham gia công tác binh vận. Bằng nhiều biện pháp tổng hợp, sư sãi và đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là cán bộ, đảng viên dân tộc Khmer công tác ở Ban Khmer vận, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp đã tham gia tuyên truyền, giáo dục cho binh lính, sĩ quan trong hàng ngũ địch các chủ trương, chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng đối với sĩ quan và binh sĩ quân đội Sài Gòn; chính sách coi gia đình binh sĩ là “Gia đình đau khổ”, chính sách hòa hợp dân tộc, góp phần quan trọng trong việc làm tan rã lớn ngụy quân, ngụy quyền.

    Trong phong trào tiến công bằng binh vận, đông đảo đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng tham gia vận động binh lính, đặc biệt là binh lính người Khmer bỏ hàng ngũ địch quay súng trở về với nhân dân, giành và giữ thanh niên Khmer không để địch bắt đi lính. Cơ sở nội tuyến là người Khmer đã móc nối với binh lính khởi nghĩa, hoặc phối hợp với lực lượng vũ trang tiêu diệt đồn bót, làm thiệt hại địch ở nhiều nơi.

    Thứ tư, tham gia một số phong trào khác. Phong trào đấu tranh chống, phá ấp chiến lược trong vùng đồng bào Khmer, được Trung ương Cục miền Nam đánh giá cao. Tại Hội nghị Khmer vận do Trung ương Cục miền Nam tổ chức ở Tây Ninh vào tháng 6-1963, đồng chí Lâm Minh Sang (Năm Chuôl) - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Châu và đồng chí Trần Kim Hai (Hai Thảo) - Phó Ban Khmer vận tỉnh, vinh dự đại diện cho tỉnh Sóc Trăng báo cáo điển hình về thành tích và kinh nghiệm chống, phá ấp chiến lược.

    Trong quá trình xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở đảng và phong trào cách mạng, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa là cơ sở nuôi chứa, bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sĩ và thanh niên trốn quân dịch; nơi hội họp, làm việc của cấp ủy. Theo kết quả thống kê, toàn tỉnh có 36/92 ngôi chùa Khmer thuộc diện có công với cách mạng, tiêu biểu như chùa Khléang, chùa Mahatúp (chùa Dơi) ở thị xã Sóc Trăng (nay là thành phố Sóc Trăng); chùa Kha-na-rộn ở xã Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị (nay thuộc thị xã Ngã Năm); chùa Cham Pa ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành; chùa Sêrây Crô săng ở xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu (nay là Phường 2, thị xã Vĩnh Châu); chùa Prêk Om Pu (chùa Tầm Vu) ở xã Thạnh Thới An, huyện Mỹ Xuyên (nay thuộc huyện Trần Đề); chùa Bângkol ở xã Long Phú (nay là thị trấn Long Phú), huyện Long Phú... Nhiều xã có đông đồng bào Khmer được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, như: Vĩnh Phước, Khánh Hòa, Lai Hòa (huyện Vĩnh Châu); nhiều ấp, xã điển hình về việc có nhiều quần chúng và cán bộ dân tộc Khmer tham gia kháng chiến, nuôi chứa, bảo vệ cán bộ, đảng viên, như ở xã Vĩnh Châu (huyện Vĩnh Châu), ấp Bồ Đề, ấp Cây Sộp, thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách), xã Viên An (huyện Mỹ Xuyên, nay là huyện Trần Đề)…

    Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Sóc Trăng luôn là ngọn cờ hiệu triệu, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, dân tộc, các chức sắc tôn giáo… chung sức, chung lòng kháng chiến, giải phóng quê hương. Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh là nhân tố có ý nghĩa quan trọng để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

THANH HÀ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 67
  • Hôm nay: 7080
  • Trong tuần: 77,787
  • Tất cả: 11,801,107